Không chỉ lập chiến công trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà nay khi tuổi đã cao, những người lính cụ Hồ nơi vùng đất ven đô Hoài Đức (Hà Nội) không ngừng nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế và đùm bọc những đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Gương sáng làm kinh tế giỏi
Phát huy những lợi thế tổng hợp của vùng đất bãi ven đô, năm 2017, Hoài Đức đã trở thành huyện nông thôn mới (NTM) của Hà Nội với 9/9 tiêu chí cấp huyện đều hoàn thành tốt, 95,2% người dân trên địa bàn hài lòng với kết quả xây dựng NTM.
Đối với mỗi người dân nơi đây, NTM đã thực sự trở thành đòn bẩy, động lực để Hoài Đức từng ngày đổi mới, đời sống thêm văn minh, hiện đại. Để đạt được các thắng lợi này, không thể không nhắc đến vai trò của cấp hội đặc biệt là hội cựu chiến binh (CCB) huyện Hoài Đức, những “chàng trai” mãi mãi xứng danh với truyền thống “Bộ đội cụ Hồ – Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.
Đó là CCB Đỗ Đình Ngô ở Xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, trở về từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù chỉ còn một cánh tay nhưng bằng sự sáng tạo và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, người thương binh đó đã xây dựng một trang trại chăn nuôi gà giống.
Trải qua gần 40 năm với biết bao nỗi gian truân vất vả, đến nay CCB Đỗ Đình Ngô đã sở hữu một trang trại ấp trứng gà với diện tích 4000 m2, hơn 30 máy ấp trứng công nghiệp. Trang trại ông nuôi 15.000 con gà sinh sản, 4 ngày cho ra một lứa gà con, mỗi lứa khoảng từ 30.000 đến 35.000 con gà con xuất đi các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, ông đã mua 2 chiếc xe tải để chuyên chuyển hàng.
Không chỉ làm kinh tế gia đình, ông Ngô còn mang lại công ăn việc làm cho nhiều người dân trong khu vực. Hiện tại, trang trại của ông có 15 lao động, lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng. Lao động xa được bố trí chỗ ăn, ở ngay tại trang trại. Ngoài 15 lao động trực tiếp làm việc ở trang trại, còn có 30 gia đình ở xung quanh chuyên nuôi gà đẻ để cung cấp trứng ấp cho trang trại.
Không những vậy ông Ngô còn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đi lên làm kinh tế. Ông truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống cho nhiều hộ dân xung quanh. Hằng năm, ông xuất khoảng hơn 10.000 con gà giống và hỗ trợ 500.000 triệu đồng cho các hộ dân chăn nuôi gặp khó khăn. Đến nay, nhiều gia đình trong xã đã có kinh tế ổn định từ việc ấp trứng gà.
Có thể nói, căn cứ đặc thù của quê hương, nhiều mô hình khác do cựu chiến binh làm chủ đã ra đời và đang phát huy hiệu quả như làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng, Chế biến nông sản ở La Phù, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế.
Phát triển nông nghiệp chất lượng cao như nhãn chính muộn ở Song Phương, An Thượng, rau sạch Tiền Yên… nhiều CCB sản xuất kinh doanh giỏi lại tích cực tham gia các hoạt đông xây dựng quê hương như: CCB Nguyễn Duy Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương, người đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng.