Hệ thống ấp trứng tự điều chỉnh nhiệt độ, có camera quan sát và khi con giống nở, hệ thống sẽ tự báo tín hiệu cho chủ.
Mô hình máy ấp trứng do em Đỗ Hoàng Anh (Q.Bình Tân, TP.HCM) chế tạo nhằm giúp các trang trại có thể giảm nhân công, tăng tỷ lệ trứng nở và nâng cao chất lượng con giống.
Từ lúc còn nhỏ, Hoàng Anh thấy ông ngoại thường ấp trứng bằng phương pháp tự nhiên, tức để cho gà đẻ rồi tự ấp. Nhiều lúc thấy ông vất vả và lo lắng vì phải phụ thuộc vào gà mẹ, con nào ấp khéo còn đỡ, còn nào ấp dở xem như bỏ luôn trứng. “Lúc đó, em muốn làm gì đó để có thể giúp ông nhưng không biết làm bằng cách nào, rồi đến năm lớp 8, em được học nghề điện ở trường, cộng thêm vốn kiến thức từ môn tin học, em mới có thể sáng tạo được sản phẩm này”, Hoàng Anh chia sẻ.
Để có tiền mua linh kiện lắp ráp, em phải nhịn ăn sáng mà ba má cho, khi đủ tiền thì phải lặn lội đến những cửa hàng xa mới mua được những thứ mà mình cần. “Sau khi có linh kiện, em bắt đầu thực hiện từng thao tác. Cái khó nữa đối với em là không biết sắp xếp sao cho các bộ phận hợp lý. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên em đã làm nổ mạch điện vài lần”, Hoàng Anh cho hay.
Nhưng nghĩ đến ông ngoại, Hoàng Anh không nản chí, em nhờ thầy cô hướng dẫn thêm, lắp hư phần nào em lại tháo ra, rồi tiếp tục lắp lại. Trải qua nhiều cố gắng, cuối cùng “Mô hình máy ấp trứng” cũng hoàn thành.
Máy ấp trứng của Hoàng Anh gồm thùng nhựa, quạt tản nhiệt, module ẩm, module gia tốc, module điều khiển nhiệt độ, khay trứng, bóng đèn dây tóc, dây điện và một số bộ phận hỗ trợ khác.
“Khi ngoài trời quá lạnh thì đèn sẽ tự bật để cung cấp nhiệt độ cho trứng, khi đủ nhiệt độ hệ thống sẽ tự ngắt, phối hợp với module ẩm để lưu thông độ ẩm, khí nóng đảm bảo trứng nở đều”, Hoàng Anh phân tích.
Theo Hoàng Anh, trong các bộ phận, bóng đèn là quan trọng nhất. Đây là nơi cung cấp ánh sáng, nhiệt độ giúp trứng nở, tuy nhiên không phải đèn nào cũng có thể sử dụng, tốt nhất nên dùng đèn dây tóc vì có nhiệt độ phù hợp và thường được sử dụng trong các trang trại.
Để tiện quan sát, theo dõi quá trình máy ấp trứng, Hoàng Anh gợi ý các hộ dân hay trang trại có thể lắp thêm camera. Vì khi đó, mọi người không cần phải tới lui trông chừng trang trại thay vào đó mình có thể quan sát ở bất cứ nơi đâu thông qua chiếc điện thoại thông minh kết nối với camera. Ngoài ra, trong mô hình, Hoàng Anh còn cài hệ thống chuông báo để khi con giống nở, máy ấp trứng sẽ tự báo tín hiệu cho chủ. “Em đã thử nghiệm và thành công. Cả 2 trứng gà đều nở thành con giống”, Hoàng Anh khẳng định.
Khi được hỏi nếu trường hợp cúp điện thì trứng sẽ ra sao? Hoàng Anh cho biết: “Cúp điện là chuyện rất thường hay xảy ra, tuy nhiên, ngoài kết nối với nguồn điện đang sử dụng trong nhà, máy này còn có thể kết nối với bình ắc quy để hoạt động bình thường. Do đó, dù có cúp điện bao lâu đi nữa thì cũng không ảnh hưởng đến trứng”.
Theo Hoàng Anh, để sáng tạo thành công, bản thân không cần quá giỏi nhưng phải nắm vững kiến thức cơ bản, nhất là ở bộ môn tin học. Ngoài ra cũng cần phải cố gắng, quyết tâm thực hiện đến cùng. Sáng tạo những sản phẩm này rất dễ thất bại, nhất là liên quan đến điện. Chỉ cần nối nhầm mạch là bị nổ ngay.
Chia sẻ về thành quả, Hoàng Anh cho biết: “Em rất vui mừng khi mô hình được thầy cô và những người chuyên về khoa học công nghệ đánh giá cao. Hiện tại nhà em không có không gian cho đàn gà ấp. Vì vậy, sắp tới em sẽ chuyển mô hình này về quê cho người thân sử dụng”.
Nhận xét về “Mô hình máy ấp trứng” trên, phụ huynh em Trần Thanh Uyên (học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, Q.10) nói: “Đây là sáng kiến hay, có thể giúp người dân dễ dàng kiểm soát quy trình ấp trứng và giảm hao hụt về con giống. Trước đây, nhà tôi cũng từng cho gà mái ấp trứng, tuy nhiên, một số con gà ấp ẩu nên tỉ lệ trứng nở thành công chỉ chiếm chừng 70%-80%”.
Với máy ấp trứng này, Hoàng Anh đã giành giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2019. Hiện cậu bạn vẫn đang mày mò với những dự án lắp ráp khác nhằm thực hiện mục tiêu trở thành chuyên gia lĩnh vực điện – điện tử trong tương lai.